Bài 85: Thầy là Đấng Ki-tô | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Chúa Nhật XXIV TN-B sắp tới đây, chúng ta sẽ được nghe phần trọng tâm của Tin Mừng Mác-cô, trong đó thánh sử Mác-cô thuật lại việc Đức Giê-su muốn các môn đệ sau một thời gian dài đi theo Người, đã được nghe những gì Người giảng dạy và được thấy những việc lạ lùng Người đã làm, thì liệu rằng các ông có nhận biết được Người là ai hay không. May thay, giữa những lời đồn đãi cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả tái sinh, hoặc là ngôn sứ Ê-li-a tái xuất, hoặc là một vị ngôn sứ nào đó (x. Mc 8,28), thì ông Phê-rô đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mc 8,29b). Theo đó, sau hai năm trường kể từ khi “bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su”, thì đây là lần đầu tiên các môn đệ mạnh dạn tuyên nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Tuy nhiên, Đấng Ki-tô là ai? Tại sao việc tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô lại quan trọng đến vậy?
Trong bài bài học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trên, và hy vọng qua đó, chúng ta không chỉ hiểu biết hơn về danh hiệu Ki-tô, về Đấng Ki-tô mà chúng ta còn sống danh xưng Ki-tô hữu của chúng ta một cách đúng đắn và xứng đáng hơn.
1. Thuật từ “Ki-tô”
Thuật từ “Ki-tô” vốn được phiên âm từ thuật từ “Χριστός” [Christos] trong tiếng Hy-lạp, và nó gắn liền với danh Giê-su đến độ có thể đã có những người xem thuật từ “Ki-tô” này là tên hay là họ của Đức Giê-su, theo đó khi gọi “Giê-su Ki-tô” thì cũng giống như gọi Nguyễn Văn Giê-su, Trần Văn Giê-su… và nếu chỉ hiểu như thế thì thuật từ “Ki-tô” sẽ không diễn tả được ý nghĩa sâu xa của nó cho dù nó được gắn liền với danh “Giê-su”, Đấng đã cứu nhân loại khỏi tội lỗi, và cách riêng đối với chúng ta, những người được gọi là “Ki-tô hữu”, chúng ta sẽ không ý thức đủ vai trò, sứ vụ của mình nếu chúng ta không hiểu đầy đủ về danh xưng“Ki-tô” của chính chúng ta. Vậy “Ki-tô” có nghĩa là gì?
2. Bối cảnh Cựu Ước của thuật từ “Ki-tô”
Thuật từ “Ki-tô” trong tiếng Hy-lạp là “Christos” vốn dĩ được dịch bởi thuật từ Híp-ri là “מָשִׁיחַ” [thường phiên âm là Mê-si-a], và theo nghĩa cơ bản nhất thì “Mê-si-a” có nghĩa là “người được xức dầu”. Từ ngữ này xuất hiện khoảng 50 lần trong Cựu Ước, và chỉ đến ba nhóm người chính được xức dầu là:
[1] các ngôn sứ (x. 1 V 19,16),
[2] các tư tế (x. Lv 4,3.5.16.17; 8,12), và
[3] các vua (x. 1 Sm 10,1; 16,13; 2 Sm 2,4).
Cả ba nhóm người này đều được “người của Đức Chúa” xức dầu thánh hiến và trở thành những người hướng dẫn và chăm sóc dân Chúa.
Sau thời kỳ thịnh trị của vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn, vương quốc Ít-ra-en đã bị chia đôi rồi suy yếu dần và cuối cùng dần dần lọt vào tay các đế quốc Át-sua và Ba-by-lon. Trong bối cảnh tang thương của đất nước và dân tộc, dân Ít-ra-en bắt đầu hướng sự kỳ vọng về một “đấng Mê-si-a” thuộc dòng dõi nhà Đa-vít sẽ đến theo lời Thiên Chúa đã hứa với vua Đa-vít, để tái lập vương quốc Ít-ra-en. Từ đó xuất hiện niềm trông đợi “đấng cứu thế” như một vị cứu tinh vào thời cuối cùng để tái lập hòa bình và công lý trên mặt đất này.
3. Áp dụng tước hiệu “Ki-tô” cho Đức Giê-su
Trên đây là bối cảnh của thuật từ “Mê-si-a” trong Cựu Ước mà các tác giả Tân Ước mượn khi sử dụng thuật từ “Christos” để trình bày về Đức Giê-su, vì Đức Giê-su trong Tân Ước tương hợp với niềm hy vọng về một vị vua thuộc dòng dõi nhà Đavít, một vị vua được xức dầu, và Người sẽ thiết lập vương quốc mà Ít-ra-en mong chờ bấy lâu, như lời ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ xưa:
Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó (Is 9,5-6).
Theo đó, những người Do-thái trung thành luôn mong đợi vị vua mà Thiên Chúa hứa với vua Đa-vít xưa, nên các sách Tin Mừng kể cho chúng ta biết trong nhiều trường hợp, người ta đã nhìn nhận Đức Giê-su chính là vị vua theo lời hứa đó, chẳng hạn như khi một người mù tên là Ba-ti-mê nghe biết là Đức Giê-su đi ngang qua, anh ta đã hô to: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” (Mc 10,47), hoặc khi Đức Giê-su ngồi trên lưng lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, dân chúng đi theo sau đã hô vang: “Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9). Quả thật Đức Giê-su là vua, nhưng vấn đề là Đức Giê-su đã gây kinh ngạc khi ngai báu của Người là thập giá và vương miện của Người là mão gai.
Song song đó, Đức Giê-su cũng chính là vị thượng tế dâng hy lễ chuộc tội lên Thiên Chúa, nhưng Người gây sửng sốt khi lễ hy sinh mà Người dâng không phải là chiên bò hay máu chiên bò, mà là chính bản thân Người và máu sự sống của Người. Vì thế, tác giả thư Híp-ri đã khẳng định mạnh mẽ về Đức Giê-su là vị thượng tế tối cao như sau:
Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần (x. Hr 4,14-16).
Sau cùng, quả thật Đức Giê-su là vị ngôn sứ mà ông Mô-sê đã tiên báo từ xa xưa: “Từ giữa anh em, Đức Chúa sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ giống như tôi để hướng dẫn anh em” (Đnl 18,18) tuy nhiên những người nghe Đức Giê-su giảng đã sững sờ kinh ngạc vì Người không những là vị ngôn sứ giống như ông Mô-sê mà Người còn trổi vượt hơn ông Mô-sê nữa vì Người đến từ Chúa Cha, Đấng ban lời cho các ngôn sứ, đến độ khi chứng kiến phép lạ Đức Giê-su làm cho con trai bà goá thành Na-in sống lại, dân chúng ở đó đã trầm trồ về Đức Giê-su rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16).
Như vậy có thể thấy rằng khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (x. Mc 8,29b) thì chính là ông đã tuyên nhận Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a, tức là “Đấng được xức dầu” trong sự tập hợp tất cả các vai trò, chức vụ, và tư cách của người mà Thiên Chúa chọn và xức dầu để làm ngôn sứ, tư tế, và vua của dân Người, và nếu chúng ta đọc trình thuật song song trong Tin Mừng Mát-thêu (x. Mt 16,16), thì chúng ta sẽ thấy Đức Giê-su nói với ông Phê-rô rằng lời tuyên xưng của ông không do sự hiểu biết con người mà do Chúa Cha mặc khải cho biết. Theo đó, khi sử dụng cụm danh từ Hy-lạp “Iesous ho christos” (Cv 5,42 ; 9,34) thì các tác giả Sách Thánh muốn hàm nghĩa rằng: “Đức Giê-su là Đấng Ki-tô”, hay “Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a”, tức là “Đức Giê-su là Đấng được xức dầu”, trong đó bao hàm ý nghĩa rằng “Đức Giêsu là ngôn sứ, là tư tế, và là vua”, và qua đó các vị những muốn diễn tả Đức Giê-su là ai, chứ không phải dùng như là tên riêng của Đức Giê-su.
4. Kết luận
Có thể nói rằng ý nghĩa của thuật từ “ki-tô” vượt xa việc là một phần của tên Đức Giê-su. Đó là phiên âm của từ tiếng Hy-lạp ”Christos”, mô tả vị vua Do-thái được xức dầu sắp đến. Khi chúng ta nói về Đức Giê-su Ki-tô (hay “Đức Ki-tô Giê-su”), đó là một lời nhắc nhở chúng ta rằng Người không chỉ là Đấng Cứu Thế của chúng ta, Đấng cứu chúng ta khỏi tội lỗi, mà Người còn là Vị Ngôn Sứ ban chính lời của Người để hướng dẫn chúng ta; Người là vị Thượng Tế dâng hy lễ là chính bản thân Người để chuộc tội cho chúng ta; và Người là Vua cai trị chúng ta.
Phần chúng ta, khi chúng ta xưng mình là Ki-tô hữu, chúng ta cũng ý thức mình là người thuộc về “Đấng được xức dầu” là Đức Giê-su, và chúng ta cũng được thông dự vào các vai trò ngôn sứ, tư tế và vương đế của Đức Ki-tô để cứu độ thế giới. Vậy nên chúng ta cần ý thức lời chúng ta nói, việc chúng ta làm, và tư cách con cái của “Đấng được xức dầu tấn phong” này.
Giờ đây, để tạ ơn Chúa đã yêu thương và cho chúng ta có cơ hội được làm “Ki-tô hữu”, chúng ta cùng dâng lên Chúa lời chúc tụng rằng:
Lạy Ðức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống,
Ngài là Chúa hiển vinh
Ðã chẳng nề mặc lấy xác phàm
Nơi cung lòng Trinh Nữ
Hầu giải phóng nhân loại lầm than.
Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần,
Mở cửa trời cho những ai tin tưởng.
Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha,
Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán.
Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi
Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn.
Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh,
Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.
(Thánh ca Te Deum)
bài liên quan mới nhất
- Bài 103: Tiệc cưới Ca-na - Đôi điều thắc mắc | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 102: Sao Đức Giê-Su Lại Chịu Phép Rửa?| Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 101: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các Nhà Chiêm Tinh? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa